Chương trình tập huấn nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025 của Bộ GDĐT theo Quyết định số 2138/QĐ-BGDĐT ngày 03/8/2022; chỉ đạo của UBND thành phố tại Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 về Ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 23/4/2021 về triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 26/4/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.
Nội dung chương trình tập huấn năm 2024 gồm: Kĩ năng phát hiện, hỗ trợ trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường dành cho giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở (05 lớp); Tập huấn nhận diện các vấn đề sức khỏe tâm thần phát hiện sớm học sinh có rối nhiễu tâm trí dành cho nhân viên y tế trường học (03 lớp) với sự tham gia của đội ngũ báo cáo viên có chuyên môn sâu về lĩnh vực tâm lí học, công tác xã hội trong trường học (Tiến sĩ Lê Thị Duyên, Tiến sĩ Lê Thị Tâm đến từ Đại học Sư phạm Đà Nẵng).
Tại chương trình tập huấn, các học viên được giảng viên hướng dẫn nhận diện các vấn đề tâm lí mà học sinh thường mắc phải; các rối loạn sức khỏe tâm thần thường gặp ở lứa tuổi học trò như: Rối loạn trầm cảm, Rối loạn lo âu (lo âu chia ly, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn hoảng loạn, …), Ám ảnh sợ (sợ dơ, sợ độ cao, sợ đám đông, sợ bị bệnh, sợ trường học …), Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (các hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần không kiểm soát như rửa tay, tắm, kiểm tra khóa cửa,…), Rối loạn stress sau sang chấn, Rối loạn ăn uống (chán ăn tâm thần, chứng ăn vô độ), Rối loạn giấc ngủ, Rối loạn TIC (các cử động nháy mắt, hỉnh mũi, nhăn mặt, …không do cố ý), Động kinh (cơn co giật, cơn vắng ý thức), Rối loạn tâm thần …, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường cũng như đề ra các giải pháp trong tổ chức triển khai thực hiện tại các cơ quan quản lí giáo dục, đơn vị, trường học.
Tại chương trình “Đối thoại với thanh niên” năm 2024, đại biểu đã có ý kiến về bạo lực học đường cho rằng vấn đề này đã ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và có thể là dấu hiệu cho thấy sự đi xuống của văn hóa học đường, gây ra những hình ảnh không đẹp về nền giáo dục nước nhà và thế hệ thanh niên Việt Nam; thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, trong thời gian qua ngành Giáo dục tập trung nhiều giải pháp xây dựng văn hóa học đường, trang bị kiến thức kĩ năng cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân y tế trường học; tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức và kĩ năng phòng chống bạo lực học đường; giáo dục rèn luyện kĩ năng sống; giáo dục kĩ năng làm cha, mẹ, giáo dục đời sống gia đình, kĩ năng xây dựng môi trường gia đình, xã hội an toàn cho học sinh, học viên được liên ngành và các hội đoàn thể tập trung phối hợp triển khai góp phần giải quyết tình trạng nêu trên.