Ngày 23/3/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ trong các Cơ sở Giáo dục Mầm non độc lập”. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11-2022 đến tháng 4-2023, mục tiêu đầu ra của dự án nhằm xây dựng năng lực giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại khu công nghiệp; xây dựng năng lực người chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập thông qua chương trình làm cha mẹ; tăng cường hệ thống giám sát đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng phát biểu khai mạc Hội thảo
Dự án có tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng, do Tổ chức Save the Children International tại Việt Nam (SCI) tài trợ và điều phối ngân sách thực hiện tại 10 lớp mầm non, mẫu giáo độc lập ở địa bàn 5 quận huyện Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê và Cẩm Lệ.
Dự án đã được triển khai tại các Cơ sở GDMN độc lập thuộc 05 quận của thành phố Đà Nẵng, bao gồm: Lớp mầm non độc lập Sunny và Mặt Trời Bé Con, Lớp mầm non độc lập Aqua và Vườn Ươm Trí Tuệ, Lớp mầm non độc lập Ánh Ban Mai, Lá Non và Lớp mẫu giáo độc lập Tâm Tiến, Lớp mầm non độc lập Tuổi Thần Tiên, Lớp mầm non độc lập Sơn Ca và Hồng Ân.
Kết quả mục tiêu đầu ra của Dự án bao gồm:
1. Phát triển bộ tài liệu Phương pháp Đánh tiềm năng não bộ cho trẻ 0-3 tuổi dựa trên tài liệu gốc của Tổ chức Cứu trợ trẻ em để phù hợp với tình hình thực tế các nhóm trẻ tại Đà Nẵng. Bộ tài liệu này đã được in ấn với 2.442 ấn phẩm và cấp phát cho giáo viên không chỉ thuộc 10 cơ sở tham gia dự án mà còn cho tất cả giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập khác tại thành phố Đà Nẵng. Sau khi biên soạn bộ tài liệu, Ban QL dự án cũng đã tiến hành tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ cho hơn 80 Giáo viên của 10 cơ sở và các trường công lập hỗ trợ kỹ thuật thông qua bộ công cụ Đánh thức tiềm năng não bộ cho trẻ 0-3 tuổi và bộ công cụ Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Toán và Đọc viết. Các bộ công cụ này được đa số giáo viên đón nhận tích cực và đưa vào áp dụng sau khi được tập huấn.
2. Xây dựng năng lực cho người chăm sóc trẻ có con em đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Dự án đã phát triển kho tư liệu bao gồm: 10 audio, 14 video và 5.900 bộ thẻ trò chơi dành cho người chăm sóc trẻ. Các audio và video được sử dụng rộng rãi trên các nền tảng mạng như các website, youtube,... Số bộ thẻ trò chơi này không chỉ được cấp cho phụ huynh thuộc 10 cơ sở tham gia dự án mà còn cấp đến cho phụ huynh thuộc các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên toàn địa bàn thành phố.
3. Dự án cũng thực hiện thí điểm chương trình tin nhắn dành cho phụ huynh có con theo học tại các cơ sở. Chương trình tin nhắn nhằm cung cấp cho phụ huynh kiến thức về các chủ đề chăm sóc trẻ, các trò chơi tương tác giữa cha mẹ và trẻ. Hơn 600 cha mẹ trẻ được cung cấp kiến thức và hướng dẫn các trò chơi theo bộ tài liệu Đánh thức Tiềm năng não bộ và bộ tài liệu Hỗ trợ trẻ làm quen với Toán và đọc viết.
Ngoài ra, theo khảo sát tình hình thực tế tại 10 cơ sở, dự án đã đã tiến hành hỗ trợ 10,300 cuốn sách truyện với hơn 28 đầu sách với tổng kinh phí gần 450 triệu để bổ sung nguồn sách truyện cho các cơ sở. Dự án cũng tiến hành hỗ trợ gói đồ dùng đồ chơi cho trẻ với 15 kiểu loại, hơn 7.000 đơn vị và trị giá lên đến hơn 270 triệu đồng. Dự án cũng tiến hành nhiều những hoạt động khác như Hội thảo khởi động, Tổ chức Tập huấn các chính sách của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Hội thảo về Chương trình tin nhắn, Hội thảo chuyên đề áp dụng các bộ công cụ, Tổ chức chuyến thăm tình hình thức tế 10 cơ sở dự án …
Toàn cảnh Đại biểu tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, 03 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Dự án Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tại thành phố Đà Nẵng được trao tặng Giấy khen của Giám đốc Sở GDĐT.
Hy vọng rằng trong thời gian sắp đến các nhóm lớp độc lập sẽ có nhiều cơ hội cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ tốt hơn và có kế hoạch tiếp nhận, bố trí, sử dụng hợp lý, phát huy hết công năng của các đồ dùng, đồ chơi; khai thác tối đa các nội dung trong tài liệu dể áp dụng phù hợp vào công tác chăm sóc- giáo dục trẻ của nhóm, lớp mình. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ, thường xuyên giữ kết nối để cùng trao đổi các kiến thức bổ ích giúp cha mẹ trẻ chăm sóc- giáo dục con tại nhà và duy trì được các kết quả tốt đẹp mà Dự án mang lại không những hôm nay mà trong tương lai. Rất mong trong thời gian sắp đến, Tổ chức Cứu trợ trẻ em sẽ có nhiều dự án nhân văn, thiết thực để hỗ trợ cho ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Tổng kết:
Bà Nguyễn Thị Dương- Quản lý Dự án chia sẻ về kết quả chương trình tin nhắn
Đại biểu chụp hình lưu niệm