Căn cứ Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học; Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;
Căn cứ Nghị quyết số 98/2022/QĐ-HĐND ngày 15/12/2022 của HĐND thành phố Đà Nẵng về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bản thành phố Đà Nẵng và Công văn số 815/SGDĐT-KHTC ngày 24/3/2023 của Sở GDĐT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND;
Căn cứ nhu cầu triển khai học môn Tiếng Anh (Tiếng Anh) với giáo viên nước ngoài trong các cơ sở giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT đã có Công văn số 2123/SGDĐT-GDTH ngày 18/7/2023 và Công văn số 2872/SGDĐT-GDTH ngày 26/9/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc tổ chức dạy học Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại các cơ sở giáo dục Tiểu học từ năm học 2023-2024. Nội dung cụ thể của Công văn như sau:
I. Nội dung tổ chức
1. Điều kiện triển khai
- Cơ sở giáo dục triển khai dạy học Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Học sinh và cha mẹ học sinh đồng ý tham gia trên tinh thần tự nguyện;
+ Nhà trường phải đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ để triển khai.
- Đơn vị liên kết triển khai phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Có đầy đủ hồ sơ pháp lí theo quy định và được Sở GDĐT cấp phép hoạt động;
+ Là đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm triển khai hiệu quả mô hình học Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài;
+ Có đội ngũ cán bộ quản lí, cán bộ phụ trách chuyên môn, chuyên gia tư vấn… có năng lực quản lí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt để phối hợp triển khai hiệu quả với các nhà trường;
+ Có đủ số lượng giáo viên nước ngoài phù hợp với quy mô triển khai; giáo viên nước ngoài phải có giấy phép lao động còn thời hạn tại đơn vị liên kết và do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cấp và các giấy tờ khác đầy đủ theo quy định của pháp luật;
+ Có đề án liên kết giảng dạy với các cơ sở giáo dục, trong đó phải nêu rõ mục tiêu giảng dạy, năng lực của đơn vị, kinh nghiệm, kết quả triển khai của đơn vị, nội dung chương trình giảng dạy, đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên, quy mô triển khai, phương án kinh phí… Đề án phải phù hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn quận và được Phòng GDĐT xem xét trước khi triển khai.
2. Đối tượng học sinh
Học sinh Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 có nguyện vọng tham gia học.
Nhà trường triển khai, tổ chức cho học sinh và cha mẹ học sinh đăng kí tham gia học trên tinh thần tự nguyện; nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia. Việc tổ chức phải đảm bảo quyền lợi học tập, an toàn và phù hợp tâm, sinh lí học sinh. Các trường chỉ được phép triển khai sau khi có phê duyệt của phòng GDĐT các quận, huyện.
3. Thời gian và thời lượng triển khai
Thời gian triển khai từ tháng 9 đến tháng 5 hàng năm; thời lượng từ 1-2 tiết/tuần/lớp. và chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa, không chèn tiết học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài trong thời khóa biểu chính khóa.
Thời khóa biểu chính khóa bao gồm các tiết học theo chương trình và tiết học tăng cường do đội ngũ giáo viên nhà trường được phân bổ (biên chế và hợp đồng) trực tiếp thực hiện, đảm bảo số tiết tối thiểu/tuần/giáo viên, số buổi tối thiểu/tuần/lớp, số tiết tối đa/ngày/lớp… khi tổ chức dạy học 02 buổi/ngày.
4. Nội dung dạy học
- Tổ chức các hoạt động dạy học tập trung củng cố, nâng cao kĩ năng nghe, nói cho học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông Tiếng Anh của Bộ GDĐT.
- Căn cứ chương trình môn học của từng lớp, các đơn vị liên kết xây dựng kế hoạch dạy học, nội dung dạy học, chuẩn bị tài liệu và các hoạt động dạy học cho từng tiết học, giúp học sinh phát triển kĩ năng giao tiếp, đảm bảo phù hợp với đối tượng học sinh cụ thể. Kế hoạch giảng dạy, nội dung dạy học phải được thống nhất giữa đơn vị liên kết và nhà trường trước khi trình Phòng GDĐT xem xét, cho phép triển khai.
5. Giáo viên giảng dạy
Giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy phải đáp ứng các yêu cầu theo Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; có giấy phép lao động còn thời hạn tại đơn vị liên kết do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cấp và các giấy tờ khác theo quy định.
6. Giáo viên trợ giảng
- Nhà trường bố trí giáo viên Tiếng Anh của trường làm trợ giảng ở các tiết dạy có giáo viên nước ngoài. Giáo viên trợ giảng có trách nhiệm hỗ trợ giáo viên nước ngoài (khi cần thiết), đồng thời tăng cường giao tiếp và trao đổi chuyên môn để nâng cao các kĩ năng; theo dõi, nắm bắt việc thực hiện nội dung chương trình giảng dạy của giáo viên nước ngoài, việc tiếp thu bài của học sinh, ý thức học tập, sự hứng thú học tập của học sinh… để báo cáo lãnh đạo nhà trường.
- Các trường không đủ giáo viên Tiếng Anh thì phối hợp với đơn vị liên kết bố trí người trợ giảng hỗ trợ tổ chức hoạt động học tập của học sinh.
7. Tổ chức lớp dạy và sắp xếp thời khóa biểu
- Các đơn vị liên kết phối hợp với nhà trường tổ chức kiểm tra trình độ, khả năng của học sinh để xếp lớp phù hợp. Căn cứ số lượng học sinh đăng kí và khả năng của học sinh, các trường nên sắp xếp không quá 35 học sinh/lớp để đảm bảo chất lượng.
- Nhà trường sắp xếp thời khóa biểu giảng dạy phù hợp, tránh gây xáo trộn chương trình chính khóa; không xếp lịch học vào ngày nghỉ của học sinh. Đối với những trường không đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất dạy học 10 buổi/tuần, có thể tổ chức dạy học buổi thứ 10 trên tinh thần đăng kí tự nguyện của cha mẹ học sinh và sắp xếp lớp học, phòng học phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh cũng như chất lượng dạy học.
8. Phối hợp tổ chức các hoạt động thúc đẩy phong trào học tập Tiếng Anh
- Các đơn vị liên kết phối hợp với các trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sân chơi trí tuệ, câu lạc bộ Tiếng Anh, olimpic Tiếng Anh... cho học sinh ít nhất 1 lần/học kì để giúp học sinh phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào tình huống thực tế, tạo động cơ, ý thức học tập, góp phần thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.
- Các trường khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên nước ngoài cùng sinh hoạt chuyên môn với giáo viên Tiếng Anh của trường để trao đổi, chia sẻ về phương pháp giảng dạy và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh trong nhà trường.
9. Đánh giá kết quả học tập của học sinh
Giáo viên nước ngoài có trách nhiệm theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của học sinh trong suốt quá trình học tập. Kết thúc học kì và năm học, đơn vị liên kết phối hợp với nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, thông qua kĩ năng nghe và nói. Đơn vị liên kết bố trí giáo viên nước ngoài kiểm tra, đánh giá học sinh bằng hình thức vấn đáp. Nhà trường phải kiểm tra mức độ phù hợp của đề kiểm tra trước khi triển khai. Kế hoạch kiểm tra phải được báo cáo về Phòng GDĐT để kiểm tra, giám sát.
10. Công tác thông tin và báo cáo
Nhà trường phải thông tin đầy đủ tình hình học tập của học sinh cho cha mẹ học sinh; báo cáo Phòng GDĐT kịp thời khi có thay đổi về giáo viên nước ngoài và các vấn đề nảy sinh khác; định kì báo cáo kết quả triển khai cuối học kì và cuối năm học về phòng GDĐT để tập hợp báo cáo Sở GDĐT.
11. Quy định về lưu hồ sơ
Nhà trường phải lưu hồ sơ triển khai, gồm có ít nhất các loại hồ sơ sau:
- Hợp đồng của trường với đơn vị liên kết;
- Đơn của học sinh có ý kiến đồng ý của cha mẹ học sinh hoặc đăng kí học của cha mẹ học sinh;
- Đề án triển khai của đơn vị liên kết;
- Kế hoạch triển khai của nhà trường;
- Kế hoạch dạy học; Thời khóa biểu và lịch tổ chức các hoạt động;
- Văn bản cho phép của phòng GDĐT;
- Sổ theo dõi giảng dạy;
- Danh sách giáo viên nước ngoài giảng dạy tại trường;
- Phiếu nhận xét giờ dạy của giáo viên trợ giảng;
- Giáo án giảng dạy của giáo viên nước ngoài;
- Kết quả học tập của học sinh cuối năm;
- Phiếu đánh giá của nhà trường về kết quả phối hợp với đơn vị liên kết;
- Ý kiến phản hồi của học sinh và cha mẹ học sinh về chất lượng giảng dạy (nếu có);
- Cam kết về chất lượng giảng dạy và thực hiện theo đúng các quy định của đơn vị liên kết.
12. Quy trình triển khai
Căn cứ hướng dẫn của Sở GDĐT, các trường có nhu cầu triển khai thực hiện các bước như sau:
- Chủ động làm việc với các đơn vị liên kết đáp ứng tốt nhất các yêu cầu nêu trên;
- Thông báo, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho học sinh và cha mẹ học sinh nắm rõ về chương trình. Tổ chức cho học sinh và cha mẹ học sinh đăng kí tham gia trên tinh thần tự nguyện, tuyệt đối không ép buộc dưới bất cứ hình thức nào;
- Nếu có đủ số lượng học sinh đăng kí, các trường xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức các hoạt động, kí hợp đồng với đơn vị liên kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị triển khai, nộp về phòng GDĐT để duyệt, cho phép theo quy định.
II. Tổ chức thực hiện
1. Đối với Sở GDĐT
- Hướng dẫn phòng GDĐT các quận, huyện và các trường có nhu cầu triển khai đảm bảo theo đúng quy định.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác quản lí nhà nước, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.
- Tổ chức đánh giá kết quả triển khai hằng năm và báo cáo về UBND thành phố.
2. Đối với các phòng GDĐT
- Có trách nhiệm kiểm tra điều kiện, phê duyệt kế hoạch tổ chức học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài tại các trường tiểu học trên địa bàn; lưu ý việc đảm bảo số lượng giáo viên người nước ngoài của 01 Trung tâm khi thực hiện liên kết với nhiều trường tiểu học trong quận, huyện; báo cáo về Sở GDĐT.
- Quản lí, kiểm tra, theo dõi công tác triển khai tại các trường đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.
- Tập hợp báo cáo kết quả thực hiện của các trường và đánh giá kết quả triển khai gửi về Sở GDĐT.
3. Đối với các cơ sở giáo dục
- Triển khai theo đúng quy định và hướng dẫn của Sở GDĐT;
- Tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, đảm bảo việc triển khai trên tinh thần tham gia tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh.
- Phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên kết trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảng dạy, tổ chức kiểm tra, đánh giá và tổ chức các hoạt động đảm bảo hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh trong nhà trường.
- Chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn Tiếng Anh tích cực bàn bạc, trao đổi với giáo viên nước ngoài về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giảng dạy… để nâng cao chất lượng.
- Các trường chịu trách nhiệm toàn diện về các hoạt động triển khai ở đơn vị; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá và báo cáo kết quả triển khai theo đúng hướng dẫn của các cấp quản lí và quy định của pháp luật.
4. Đối với các đơn vị liên kết
- Đảm bảo đủ các loại hồ sơ triển khai; chuẩn bị tài liệu, nội dung giảng dạy theo đúng quy định. Làm việc với các nhà trường, thống nhất kế hoạch triển khai đảm bảo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.
- Chuẩn bị đội ngũ giáo viên nước ngoài có trình độ chuyên môn tốt, có đủ hồ sơ theo quy định; đảm bảo ổn định đội ngũ giáo viên ít nhất trong 01 năm học trừ các trường hợp bất khả kháng.
- Tổ chức tập huấn cho giáo viên nước ngoài, giúp các giáo viên hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán ở địa phương và pháp luật của Việt Nam để hòa nhập tốt nhất với cuộc sống tại địa phương và công việc giảng dạy tại các nhà trường.
- Thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về giảng dạy, kiểm tra đánh giá trình độ đầu vào, kết quả đầu ra của học sinh.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lí giáo dục, các cơ sở giáo dục, các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương thực hiện đúng các quy định về việc quản lí người nước ngoài cư trú và làm việc tại địa phương.
- Định kì báo cáo kết quả triển khai về các cấp quản lí giáo dục cuối học kì và cuối năm học.
- Cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và có hiệu quả các nội dung triển khai. Gửi văn bản cam kết về nhà trường và phòng GDĐT để quản lí, theo dõi. Các đơn vị liên kết không thực hiện đúng các quy định, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị đình chỉ hoặc sẽ không được xem xét cho phép triển khai trong các năm học tiếp theo.
III. Kinh phí
Kinh phí thực hiện theo Nghị quyết số 98/2022/QĐ-HĐND ngày 15/12/2022 của HĐND thành phố Đà Nẵng về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bản thành phố Đà Nẵng và Công văn số 815/SGDĐT-KHTC ngày 24/3/2023 của Sở GDĐT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND.