Dự án “Lồng ghép Học thông qua Chơi trong giáo dục tiểu học tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án iPLAY) được triển khai tại 8 tỉnh/thành phố từ tháng 01 năm 2020, trong đó thành phố Đà Nẵng triển khai từ giai đoạn 1 và tỉnh Quảng Ngãi triển khai từ giai đoạn 2 năm 2022 với mục tiêu cải thiện kết quả học tập của học sinh tiểu học Việt nam thông qua lồng ghép Học thông qua Chơi (HTQC) vào các hoạt động dạy và học trên lớp.
Dự án sẽ kết thúc vào cuối tháng 11 năm nay.
Để nhìn lại những kết quả đạt được, và chia sẻ, thảo luận việc tăng cường áp dụng, nhân rộng những kết quả đó, Trong 2 ngày 21/8 và 22/8/2023 Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng phối hợp với Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi và tổ chức VVOB Việt Nam tổ chức Hội thảo liên tỉnh chia sẻ kinh nghiệm áp dụng HTQC và các kết quả Dự án tại địa phương.
Đến tham dự hội thảo có Bà Xuân Thị Nguyệt Hà, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT, thành viên ban điều hành dự án IPLAY; Bà Nguyễn Phương Anh, Quản lí vận hành VVOB tại Việt Nam; Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Đà Nẵng cùng các đồng chí là Lãnh đạo, chuyên viên phòng GDTH của Sở GDĐT Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi; hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên Phòng GDĐT, cán bộ quản lý, giáo viên của các trường tiểu học thuộc thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi.
Hội thảo trong 2 ngày với các nội dung: Báo cáo tổng quan về hoạt động dự án tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi trong 4 năm qua; chia sẻ kết quả đánh giá độc lập giữa kì từ tổ chức RTI (Mỹ) và kết quả đánh giá cuối kì công ty T&C (Việt Nam); các đại biểu cùng suy ngẫm về việc áp dụng HTQC và các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn giáo viên về HTQC trong thời gian vừa qua; đề xuất những giải pháp để giải quyết các khó khăn khi duy trì Dự án; lập kế hoạch để duy trì các kết quả dự án sau khi dự án kết thúc.
Hội thảo đã đánh giá kết quả sau khi thực hiện Dự án: Nhận thức về HTQC là một cách thức để học tập. Thông qua chơi, trẻ sẽ không ngừng học hỏi và kết nối với môi trường xung quanh. Chơi sẽ bồi dưỡng cho trẻ các kỹ năng nhận thức, xã hội, cảm xúc, sáng tạo và thể chất. Giáo viên và cán bộ giáo dục nhận thấy rằng HTQC góp phần phát triển kỹ năng giao tiếp, cải thiện kết quả học tập và nâng cao hiểu biết cho học sinh. Chơi mang tính giáo dục khi đó là hoạt động đem lại niềm vui, có ý nghĩa, tăng cường sự tham gia tích cực của trẻ, có tính lặp lại và giúp trẻ tương tác xã hội./.